Ngôi nhà số 8 giữa lòng Bristol |
![]() |
![]() |
![]() |
Written by Admin 1 |
Friday, 06 April 2012 01:10 |
Tôi là Trịnh Vân Anh, sinh viên năm cuối ngành Marketing and Commnication. Tôi và 5 người bạn Việt Nam (đều đang theo học tại trường West of England) cùng sống chung với nhau dưới 1 mái nhà và đặt tên cho gia đình nhỏ của mình là “Nhà số 8”. Chỉ với những điều giản dị trong cuộc sống thường nhật, chúng tôi đã thực sự gắn kết với nhau.
Cảm giác là 1 gia đình Khi còn ở Việt Nam, 6 người chúng tôi đã làm quen với nhau nhưng để gọi là thân thiết, gắn bó thì chưa hẳn. Trong thời gian đầu sống ở Anh, mọi người đều có những ngại ngần riêng nên không cởi mở, đến lúc thân thiết rồi thì ai có giận hờn, vấn đề gì đều được cả nhà đem ra “tâm sự”. Chúng tôi đến giờ ăn phải đợi đủ 6 thành viên thì mới chịu ăn; những căng thẳng vào mùa thi, khó khăn trong chuyện tình cảm đều cùng nhau vượt qua, thực sự gắn bó khắng khít và cho nhau cái cảm giác như là 1 gia đình! Sinh viên Việt Nam tại Bristol chủ yếu là người miền Nam, rất ít người miền Bắc nên lúc mới sang “nhà số 8” (đều là người Bắc) hơi nổi bật trong đám, đi đâu cũng có nhau và còn hay mặc đồng phục của trường. Các bạn hay đùa rằng “Nhà này ở bẩn thế, có mỗi áo đó mà suốt ngày mặc” ^^. Tuy nhiên khi đã đi du học thì người miền nào cũng đều là người Việt Nam, chúng tôi không hề phân biệt giữa Nam hay Bắc mà chơi rất hòa đồng và giúp đỡ nhau nhiệt tình.
Kỉ niệm nhỏ, nỗi nhớ đậm sâu Với tôi, ấn tượng đầu tiên ở Anh có lẽ là việc đi bộ, lúc mới sang do chưa biết trạm xe bus và các tuyến đường xe chạy nên mỗi lần cần di chuyển, mua sắm chúng tôi đều đi bộ, đi nhiều đến mức ai cũng nghĩ mình giảm cân. Cả nhà mua 1 cái cân, lúc bước lên cân ai cũng hăm hở vì nghĩ mình sẽ giảm, ngờ đâu kim chạy vụt, mọi người đều tăng ít nhất là 5 cân. Sau một hồi phát hiện ra nguyên nhân thì mới thở phào, do trong phòng sử dụng sàn gỗ, lót thảm mà cân để trên thảm (có sưởi) sẽ có nhiệt độ cao nên cân tăng lên là điều tất nhiên. Tôi rất thích thú với việc trang trí phòng ốc, nhưng vì giá cả ở Anh khá đắt đỏ nên để biến căn phòng của mình thêm “lung linh”, tôi phải hì hục tự chế và lùng mua vật dụng tại các shop từ thiện với các món hàng độc, rẻ. Có lần tôi đi mua tủ cùng 1 người bạn, vì tủ khá to không thể mang lên bus được, phí cho xe chuyên chở lại cao nên chúng tôi tiết kiệm bằng cách tự vác về nhà. Tủ quần áo có bánh xe cho tôi “phụ trách”, còn cái nhỏ hơn thì đứa bạn khiêng, sau 30 phút lê lết trên đường thì cũng về được đến nhà, ai nhìn thấy cũng phục lăn 2 đứa. Khi còn ở Việt Nam tôi thực tập tại 1 công ty tư vấn du học và lúc sang Anh tôi tiếp tục làm partime cho công ty này, nhờ vậy tôi trang bị khá tốt những thông tin cần thiết khi đi du học. Nhưng tất cả đều chỉ ở trong sự hình dung của mình, đến khi tiếp xúc thực tế với cuộc sống ở Anh thì mới thấy có rất nhiều điều mới mẻ. Thời gian đầu, chúng tôi đều bị mất 1 khoản gọi vui là “ngu phí” vì mua đồ ở những nơi đắt đỏ do thiếu kinh nghiệm, dần dần mới bỏ túi cho mình các địa chỉ bán đồ ngon với giá cả phù hợp sinh viên. Hay như lần đầu tiên đi bus, nhìn vào bảng chỉ dẫn rất chi tiết tôi đã biết được mình nên bắt chuyến số mấy nhưng đến khi lên xe thì lại không biết trả tiền kiểu gì, nhìn quanh thì không thấy phụ xe. Thấy bộ dạng lớ nga lớ ngớ của tôi, người ta mới bảo về chỗ ngồi đi và cuối cùng tôi đã được miễn phí chuyến đi đó. Nếu đi bus ở Anh thì lúc vừa lên xe bạn phải nói với tài xế về điểm đến, mua vé đi 1 chiều/2 chiều/ cả ngày và đưa tiền tại chỗ nhé. Điều quý nhất tôi nhận được sau 6 tháng du học không phải là kiến thức mà chính là những người bạn, đặc biệt là gia đình số 8. Những bài học về cuộc sống được sẻ chia, sự quan tâm, đùm bọc lẫn nhau của người Việt Nam đã lấp đầy tim tôi. Các bạn đã cho tôi biết được thế nào là sự “cho và nhận” mà không toan tính suy nghĩ gì!
HÀ MY |
Last Updated on Saturday, 07 April 2012 00:06 |
Featured Video
