[MS45] London Lens: a Life’s Art - Nguyễn Minh Tuấn
Họ và tên: NGUYỄN MINH TUẤN
Trường học :London Metropolitan University
Tôi chính thức học Graphic Design từ tháng 10/2008. Từ bắt đầu cho đến kết thúc, những kiến thức và kinh nghiệm tôi tiếp thu được tương phản rất nhiều với quan niệm lúc trước về ngành đồ họa. Lúc đầu tôi đã không ngừng thắc mắc về những môn học không hề liên quan đến poster và hình ảnh số, cho đến lúc tôi nhận ra lợi ích thật sự của chúng. Mỹ thuật phương Tây chú trọng khai thác nội dung và lý luận mang tính chuyên nghiệp tương đương với các ngành nghề phổ thông khác. Vượt qua mỗi khóa học như thế một cách trọn vẹn, sẽ không có nhiều khác biệt trong phương pháp tư duy giữa một họa sĩ và một nhà kinh doanh, một chính trị gia hay một nhà khoa học. Sản phẩm của mỗi ngành nghề có thể khác nhau, nhưng kết quả của đào tạo là những con người mới.
Nhiếp ảnh là một trong những môn học tôi yêu thích nhất dù tôi đến với nó khá muộn. Cần phải hiểu nhiếp ảnh ở đây không đơn thuần là những bức ảnh tiệc tùng, vui chơi, du lịch. Nó không đòi hòi một trình độ thượng thừa hay một đẳng cấp xã hội, thậm chí một chiếc máy chụp phim rẻ tiền cũng đủ để thay thế một đống công cụ kếch xù. Nó khác với những thứ phù phiếm, vô thực thường thấy ở mỹ thuật truyền thống, nhiếp ảnh là một nghệ thuật đại chúng.
Văn hóa châu Âu vốn đã khác nhiều so với châu Á, văn hóa Anh và cuộc sống ở London lại là những bức tranh hoàn toàn khác biệt. Bất kể bạn học gì, làm gì, cái nhìn đa chiều là điều thiết yếu cho một cuộc sống thực mà bạn chưa bao giờ biết. Góc nhìn từ nghệ thuật hiện đại đã tạo ảnh hưởng rất lớn lên góc nhìn cuộc sống của tôi.
Rời xa các trung tâm náo nhiệt để hướng về những quận xa xôi, London hiện lên ảm đạm và mờ nhạt hơn rất nhiều. Cuộc sống bên ngoài đô thị tương phản hoàn toàn với cái hào nhoáng thường thấy trên truyền hình, phim ảnh, hay Internet. Cuộc sống của những người lao động bình thường không rực rỡ với nhà hát, cũng không có nhiều thứ để vui chơi. Quán bar vào những chiều cuối tuần là nơi để họ tụ hội, nghỉ ngơi thưởng thức cuộc sống bằng những cốc bia, những câu chuyện và trận bóng sôi sục.
Tôi không bao giờ quên đời sinh viên của mình đã bắt đầu từ một nơi như thế này.
Ngày tôi đặt chân đến nước Anh lần đầu tiên đã cách đây 5 năm. Những khó khăn của chúng tôi ngày ấy không chỉ có một rào cản về ngôn ngữ, mà cả sự ngỡ ngàng trước London và nước Anh của thời hiện đại. Đây không phải quốc gia của riêng người Anh nữa, mà là một ngôi nhà toàn cầu. Tôi nhận ra những thứ để mình học hỏi không bao giờ hết.
Cân bằng giữa việc học và cuộc sống riêng là một vấn đề không đơn giản. Đối với những sinh viên du học tự túc từ lâu như tôi, áp lực phải sống tự lập và gánh nặng tiền bạc đã đè nặng lên vai ngay từ những tháng ngày đầu tiên. Người ta vẫn thường nói: không nghèo thì không phải là sinh viên. Với chúng tôi, khó khăn vật chất có thể không nhiều như phần đông các bạn sinh viên ở Việt Nam, nhưng nỗi khổ tinh thần thì không phải lúc nào cũng được lấp đầy. Sự khắc nghiệt của cuộc sống xa nhà lúc nào cũng gắn kết cho chúng tôi một thế giới riêng. Những ngôi nhà cho thuê bất hợp pháp là điểm đến lý tưởng cho những sinh viên như tôi, dù điều kiện học tập chưa thật sự đảm bảo.
Qua ba năm học đầu tiên khá suôn sẻ, tôi đối mặt với sự hụt hẫng và sa sút nghiêm trọng. Khoảng thời gian ấy với tôi hết sức nặng nề, bởi không còn ai ở bên chia sẻ với tôi. Trong những khoảng lặng cuối cùng của cuộc đời du học, đó lại là lúc tôi tìm thấy nhiều niềm vui nhất khi tôi có những người bạn mới.
Hai người tôi nhớ nhiều nhất là Thảo (SN 1984) và Châu (SN 1990). Thời gian chúng tôi cùng sống trong một ngôi nhà không lâu, nhưng đó chính là khoảng thời gian tôi cảm thấy mình được quan tâm thật sự.
Châu là một sinh viên Event Management, cũng là người ở chung với tôi lâu nhất. Điều làm tôi nhớ nhất ở cô bé này là em khác nhiều so với những sinh viên cô tiểu thư khác. Dù xuất thân từ một gia đình khá giả, hay đi chơi và shopping đắt tiền, nhưng cô bé không phải là một người đài các kiêu kỳ. Cũng vì sống xa nhà lần đầu, thiếu nhiều kinh nghiệm, lại không biết tự chăm sóc cho mình, cùng với những bài sát hạch chật vật mà tôi đã vướng vào không ít rắc rối của em. Nhớ đến những ngày còn chân ướt chân ráo, nếu không có những bậc đàn anh đáng kính dạy bảo thì tôi cũng không thể có ngày hôm nay; vậy nên khi nhận được những lời cảm ơn, tôi thấy chúng không còn một ý nghĩa gì nữa. Cuộc sống thiếu những nỗi lo chẳng phải quá vô nghĩa hay sao?
Không giống như Châu, Thảo là một sinh viên cao học Marketing, một "bà cô" có tính cách già trẻ lẫn lộn (có lẽ vì chưa chồng). Một chiếc laptop HP cũ xì kè kè bên mình, vì khó bắt tín hiệu internet nên nhiều ngày chị phải ngồi "cắm chuột" lù lù một góc bếp. Mỗi lần đi qua, liếc nhìn bộ dạng tiêu điều xơ xác của chị, tôi chỉ dám cười nhỏ nhẹ động viên chị một chút rồi quay mặt đi. Biết rằng đã có lúc tôi như vậy, nhưng sức chịu đựng của phụ nữ chỉ có hạn. Một lần khác, chị bị gãy răng vì một tai nạn nhỏ. Tôi cố động viên chị đi khám bệnh và rời bài tập sang một tuần khác, thế nhưng vì tiếc khoản phí lên đến vài trăm GBP, chị nhất quyết không đi. Cuối cùng chỉ sau vài sốt cao, chị nằm liệt giường một chỗ. Cũng vì như vậy mà giáo viên của chị đã may mắn cho phép nộp bài muộn cả tháng.
Đã có một lần tôi ngã gục giống như vậy sau 2 đêm thức trắng vì làm việc thay cho một đồng nghiệp. Suy ngẫm về chuyện này tôi lại nhớ đến V.Q.H.Tú (SN 1981), sinh viên người Việt đã thiệt mạng tại bến tàu điện ngầm Earl’s Court tháng 11/2006, chỉ hai tháng sau khi tôi đặt chân đến London. Anh là người bạn thân đầu tiên của anh trai tôi khi còn làm việc chung ở nhà một hàng. Tôi chưa từng gặp anh bao giờ. Khi chuyện không may xảy, chắc hẳn người thân của anh đã rất đau đớn.
Nhắc đến người cũ, lại nghĩ đến chuyện bây giờ mới thấy: cuộc sống khó khăn này của mình so với nỗi lo lắng của gia đình đã là gì? Hiểu được sự thống khổ này mới biết tại sao phải thông cảm cho nhau. Khi bạn bè là chỗ dựa tinh thần lớn nhất của tôi khi xa nhà, tôi cảm thấy mọi việc mình làm vì bạn là cần thiết, như một trách nhiệm. Trong cuộc sống ấy, chúng tôi đã trở thành một gia đình thu nhỏ. Mọi khoảnh khắc ngắn ngủi ấy đều vô tuyệt vời.
Một bài viết ngắn ngủi thật sự không đủ cho tôi kể hết mọi suy nghĩ và kỷ niệm. Điều may mắn nhất trong suốt cuộc đời sinh viên xa nhà của tôi đó là thời gian và thực nghiệm đã giúp tôi thay đổi chính con người của mình. Đã quá muộn để tôi có thể quay lại sống vô tư như tuổi học sinh. Sống cho người khác mới thấy để lại cho mình chẳng còn được bao nhiêu, nhưng đổi lại cuộc sống mới này và bạn thân thì đó là những gì học phí kếch xù không thể mua được. Sau cùng, đây chính là ý nghĩa lớn nhất.
Giới hạn lớn nhất của sáng tạo là sự thụ động, giới hạn lớn nhất của mỗi người là chính bản thân mình. Đọc, hiểu, ngẫm nghĩ, đó là cách người Anh dạy tôi tạo ra những cái mới. Tìm tòi, lắng nghe và thấu hiểu, đó là những gì tôi đã thu lượm được từ cuộc sống bên ngoài trường học. Nghệ thuật đỉnh cao cũng khắc nghiệt như cuộc sống vậy! Bản chất cuộc sống xung quanh mỗi chúng ta cũng là một bức tranh muôn màu nơi mỗi cuộc đời là một mảnh ghép. Cái đẹp chỉ tồn tại khi vẫn còn những thứ xấu xí. Sống chính là một nghệ thuật, tôi gọi đó là nghệ thuật cuộc sống.